27 Tháng Bảy, 2024

Giaiphaplamgiau.com

ài chính, kinh doanh – Marketing, quản trị, luật kinh tế

Nhà đầu tư Nhật thấy gì ở Việt Nam trước thềm bình thường mới

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong số 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản có vốn đầu tư đăng ký gần 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư, tăng 88,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản cũng là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư cao nhất tại Việt Nam.

Điều này dường như không quá khó hiểu bởi Nhật Bản luôn là nhà đầu tư nước ngoài quan trọng, rót lượng vốn khổng lồ vào thị trường Việt Nam trong hàng chục năm qua. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn có những phong cách đầu tư đặc biệt, phù hợp với nền kinh tế tại Việt Nam. Nhờ vậy, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã cho thấy sự chuyển mình và phát triển mạnh mẽ ngay khi được rót vốn và điều hành bởi các nhà lãnh đạo Nhật.

Cẩn trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhật cho biết, họ thường dành thời gian tìm hiểu và chuẩn bị khoảng 2 đến 8 năm trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Với tính cách cẩn trọng và tỉ mỉ đã in sâu vào văn hoá, mọi bước đi trong kinh doanh đều được các nhà đầu tư Nhật Bản tính toán kỹ lưỡng. Do đó, những doanh nghiệp Việt Nam có sự rót vốn từ Nhật Bản thường phải chứng minh được năng lực quản lý và tiềm năng đặc biệt.

Tin tưởng vào tiềm năng phát triển tại Việt Nam

Dựa vào kinh nghiệm được đúc kết từ nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, các chuyên gia Nhật Bản dự đoán sự quan tâm từ nhà đầu tư nước này đối với Việt Nam vẫn rất lớn.

Đánh giá về xu hướng rót vốn vào Việt Nam, ông Kakazu Shogo, CEO của CTCP PGT Holdings (HNX: PGT) cho rằng: “Hiện tại, Việt Nam có gần 1,700 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, tương tự thị trường chứng khoán của Nhật Bản năm 2000. Ngay cả trong năm 2020-2021, khi đại dịch Covid bùng phát, vẫn có nhiều công ty nước ngoài xúc tiến đầu tư vào thị trường Việt Nam”.

Chờ sóng M&A sau đại dịch

Trong xu thế dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc từ giữa năm 2020, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam cũng được đánh giá là môi trường thích hợp cho làn sóng M&A bùng nổ sau đại dịch.

Các chuyên gia dự báo quy mô thị trường M&A tại Việt Nam năm 2021 sẽ ở mức 4,5 – 5 tỷ USD, hồi phục trở lại tương đương mức bình quân giai đoạn 2014-2017. Đây là miếng bánh béo bở mà các nhà đầu tư trên thế giới không thể bỏ qua. Trong đó, những nhà lãnh đạo Nhật Bản dường như đã chuẩn bị rất kỹ để “đón” làn sóng M&A sắp tới, ngay khi trang thái bình thường mới được thiết lập.