15 Tháng Chín, 2024

Giaiphaplamgiau.com

ài chính, kinh doanh – Marketing, quản trị, luật kinh tế

Năm 2021 cần có thêm các gói kích thích để phục hồi kinh tế nhưng phải theo dõi chặt nợ công và thâm hụt ngân sách

Trong hai ngày 17-18/3/2021, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tham dự Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FCBDM) năm 2021 do New Zealand chủ trì. Tham dự Hội nghị gồm có đại diện lãnh đạo cơ quan tài chính và Ngân hàng Trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WBG), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Đây là Hội nghị đầu tiên trong chuỗi các Hội nghị diễn ra trong khuôn khổ Tiến trình Bộ trưởng Tài chính (FMP) APEC 2021, tiếp nối là Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC (SFOM) dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2021 để tiếp tục thảo luận và đánh giá giữa kỳ tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác trong năm và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng vào tháng 10/2021.

Với chủ đề “Cùng nhau Kết nối, Hợp tác, Phát triển”, New Zealand tiếp tục chủ trì tiến trình FMP nhằm xây dựng chương trình hành động triển khai Tầm nhìn Putrajaya 2040, hướng đến xây dựng “Một khu vực APEC cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của người dân và thế hệ tương lai.” 

Theo đó, New Zealand đề xuất 2 ưu tiên chính sách thảo luận trong năm 2021, gồm: (i) Triển vọng kinh tế vĩ mô và ứng phó với COVID-19; và (ii) Tương lai của chính sách tài khóa và khuôn khổ ngân sách. Các ưu tiên này nhận được sự đồng thuận lớn từ các quốc gia trong khu vực.

Trong phiên thảo luận thứ nhất về tình hình kinh tế vĩ mô và các biện pháp ứng phó với đại dịch của các quốc gia trong khu vực trong thời gian vừa qua, các tổ chức quốc tế cũng như các nước đều ghi nhận mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh tế và triển vọng tăng trưởng. IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng khu vực APEC năm 2021 và 2022 lần lượt lên mức 5,7% và 4,1%. Tuy nhiên, tăng trưởng diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia và giữa các khu vực của nền kinh tế và còn tồn tại nhiều bất ổn do hệ quả lâu dài của đại dịch COVID-19 gây ra với rủi ro chính đến từ việc xuất hiện nhiều biến chủng mới của COVID và những chậm trễ trong triển khai vắc-xin phòng dịch.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục: (i) có các gói kích thích hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên cần theo dõi chặt chẽ nợ công và thâm hụt ngân sách gia tăng do việc triển khai các gói kích thích quy mô lớn trên diện rộng, cũng như chất lượng tín dụng do việc nới lỏng chính sách cho vay, và chú trọng tăng trưởng bền vững vì môi trường, chống biến đổi khí hậu; (ii) đẩy mạnh cải cách cơ cấu hướng đến xây dựng nền kinh tế bền vững, tự cường và toàn diện; (iii) phân bổ nguồn lực hợp lý nhằm gia tăng năng suất và năng lực cạnh tranh; (iv) tận dụng các thành tựu của công nghệ và chuyển đổi số nhằm giải quyết các thách thức do đại dịch gây ra và tăng cường kết nối trong khu vực; và (v) tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giữa các quốc gia.

Trong phiên thảo luận thứ hai về tương lai của chính sách tài khóa và khuôn khổ ngân sách, Hội nghị tập trung thảo luận về việc áp dụng các gói hỗ trợ và tác động đến bền vững nợ công trong trung hạn. Ước tính gần 14.000 tỷ USD đã được chi thông qua hỗ trợ tài khóa để hỗ trợ cho đại dịch và nợ công toàn cầu năm 2020, tăng lên gần 98% GDP từ mức 84% trong năm 2019. Dự kiến trong năm 2021 nhiều quốc gia sẽ rút dần các gói hỗ trợ và có thể khiến thâm hụt ngân sách giảm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn việc duy trì kích thích tài khóa là cần thiết nhằm thúc đẩy cầu tiêu dùng, vực dậy niềm tin của doanh nghiệp và đầu tư, và tạo việc làm. Trong trung hạn, cần có các khuôn khổ tài khóa thận trọng nhằm cần bằng giữa nhu cầu hỗ trợ trong ngắn hạn cho các đối tượng dễ bị tổn thương và bền vững tài khóa.

Thảo luận tại Hội nghị, Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong việc khống chế thành công dịch COVID-19 và các biện pháp chính sách mà Việt Nam đã triển khai nhằm ứng phó với đại dịch như: (i) hỗ trợ tạm thời cho các doanh nghiệp và hộ gia đình dễ bị tổn thương thông qua 3 lần gia hạn hoãn nộp thuế; (ii) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế; (iii) nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm duy trì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, góp phần hiệu quả giúp tăng trưởng GDP trong năm 2020 của Việt Nam đạt 2,91%, thuộc nhóm các quốc gia có tăng trưởng cao nhất thế giới.

Đồng thời, đại diện Việt Nam cũng chia sẻ về chương trình chuyển đổi số nền kinh tế đã được Chính phủ thông qua, với một trong số các trọng tâm là đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực tài chính, hướng đến thiết lập một hệ sinh thái ngành tài chính số, đồng thời bày tỏ mong muốn đẩy mạnh tích hợp hơn nữa nội dung này vào tiến trình FMP thông qua các diễn đàn hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia trong khu vực.