Ngày 26/1/2022, ngân hàng Techcombank đã tổ chức buổi gặp gỡ các nhà đầu tư cá nhân. Trước đó, ngày 24/1, ngân hàng này cũng đã công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng.
Năm 2021, Techcombank đạt kỷ lục hơn 1 tỷ USD lợi nhuận trước thuế. Đáng chú ý, nhà băng này tiếp tục củng cố vị thế đầu ngành về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), đạt 50,5%, mức cao kỷ lục của Techcombank và cũng là kỷ lục của ngành ngân hàng.
Chính sách miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền được xem là chiến lược chủ chốt đưa Techcombank trở nên “vô đối” trên thị trường về CASA trong vài năm trở lại đây. Ngân hàng đứng thứ 2, thứ 3 về CASA là Vietcombank và MB cũng chỉ duy trì được quanh mức 30%.
Tuy nhiên, vừa qua, 3 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV đều đã tuyên bố sẽ miễn phí toàn bộ giao dịch trên ngân hàng số từ năm 2022. Trước đó, Agribank cũng miễn phí giao dịch chuyển tiền từ tháng 7/2021.
Trước động thái của những “ông lớn này”, không ít chuyên gia và nhà đầu tư đã đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì CASA của Techcombank từ năm 2022 khi áp lực cạnh tranh từ các ngân hàng khác là rất lớn.
Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp khẳng định, mức CASA 50,5% mà Techcombank vừa đạt được chưa phải là đỉnh. “Chúng tôi đặt mục tiêu CASA lên tới 55% và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới”.
Lãnh đạo Techcombank chia sẻ, chính sách “zero fee” của ngân hàng này đã bắt đầu tư năm 2016 và sau 5 năm thì nhiều ngân hàng khác bắt đầu đi theo. Đây là điều tốt cho khách hàng, được giao dịch mà không mất phí.
“Đối với chúng tôi, Techcombank xác định để có thể tăng tưởng CASA thì phải đảm bảo là ngân hàng giao dịch chính cho khách hàng”, ông Hà nói.
Ví dụ đối với khách hàng thu nhập cao, Techcombank cho biết đang có lợi thế lớn trên thị trường. Trong khi đó, bình quân CASA của khách hàng thu nhập cao gấp 50 lần so với khách hàng thu nhập thấp, 10 lần so với khách hàng thu nhập trung bình.
Khách hàng thu nhập cao không chỉ có nhu cầu giao dịch mà còn có nhu cầu quản lý tài sản. Techcombank không chỉ đưa ra dịch vụ thanh toán mà còn đưa ra hệ sinh thái dịch vụ, cho khách hàng có nhu cầu đầu tư bất động sản, đầu tư trái phiếu, sử dụng thẻ tín dụng,… Khách càng giao dịch nhiều thì càng có mức giá ưu đãi. Ông Hà nhận định: “Đây là điểm mà nói thì dễ nhưng rất khó để các ngân hàng khác bắt chước”.
Bên cạnh khách hàng cá nhân thì khách hàng doanh nghiệp cũng đang tăng trưởng tốt về CASA, trong đó phân khúc SME tăng trưởng rất tốt. Ngân hàng áp dụng miễn phí giao dịch chuyển tiền mua bán ngoại tệ, giao dịch online được giảm giá.
Ngoài ra, Techcombank cũng đầu tư mạnh vào công nghệ, sắp tới sẽ chạy App mới cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, nâng cao trải nghiệm và giao dịch an toàn cho người dùng.
Số dư tiền gửi không kỳ hạn Techcombank cuối năm 2021 đạt 159 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2020. Trong đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân đạt 100 nghìn tỷ đồng, tăng 31%; của kháchhàng doanh nghiệp đạt 59 tỷ đòng, tăng 14%.
Theo Techcombank, mức CASA trung bình của Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, VPBank, ACB, Sacombank, HDBank, TPBank, VIB, Eximbank, SHB cuối quý 3/2021 là 21,5%. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Techcombank cuối quý 3 là 49% và tiếp tục cải thiện lên 50,5% vào cuối quý 4/2021.
Tin Khác
Thị phần của ngân hàng quốc doanh và tư nhân tại TP.HCM đang ra sao?
Làm gì để tránh mắc bẫy tín dụng đen dịp Tết?
Công ty chứng khoán SHS muốn bán 1,2 triệu cổ phiếu SHB