Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 01/2018/TT-NHNN về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trao đổi với VnEconomy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng , trong bối cảnh nguồn lực đất nước bị giới hạn do nền kinh tế khó khăn vì đại dịch Covid-19, cần “buông tay” hơn là “cứu trợ”.
Theo dự thảo Thông tư thay thế, thời gian vay đặc biệt của tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả được điều chỉnh xuống dưới 12 tháng thay vì 24 tháng như trước kia và phải có tài sản đảm bảo đối với các khoản vay đặc biệt. Ông đánh giá như thế nào về những điểm mới này?
Việc cung cấp những khoản vay đặc biệt cho các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt nhằm mục đích hỗ trợ những ngân hàng yếu kém trên thị trường có thể phục hồi trở lại. Tuy vậy, việc điều chỉnh thời gian vay đặc biệt và bổ sung thêm quy định về tài sản đảm bảo đối với các khoản vay đặc biệt cho thấy động thái thắt chặt các ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước dành cho các ngân hàng yếu kém trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.
Ở đây, tôi muốn lưu ý tới quy định mới được bổ sung vào dự thảo. Đó là các khoản vay đặc biệt phải được đảm bảo bằng tài sản bảo đảm. Tài sản bảo đảm ở đây chủ yếu là giấy tờ có giá và quyền đòi nợ. Tuy nhiên, phương cách này chỉ có ý nghĩa nếu ngân hàng yếu kém có khả năng phục hồi sau khi NHNN cho vay mới để hỗ trợ thanh khoản ngân hàng này và tránh cho ngân hàng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán và vỡ nợ.
Tin Khác
Thị phần của ngân hàng quốc doanh và tư nhân tại TP.HCM đang ra sao?
Làm gì để tránh mắc bẫy tín dụng đen dịp Tết?
Công ty chứng khoán SHS muốn bán 1,2 triệu cổ phiếu SHB