Có nhà máy mà cũng như không
Năm 2009, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần xây dựng Phương Thảo đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác công nghệ cao tại xã Hòa Phú (huyện Long Hồ) với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Theo thiết kế, Nhà máy có công suất xử lý 200 – 300 tấn rác/ngày; phương pháp xử lý rác là ủ thành phân Compost (công suất 36.000 tấn phân/năm) phục vụ nông nghiệp.
Ðến năm 2012, Công ty Phương Thảo được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án lên 238 tỷ đồng, thời gian cam kết hoàn thành vào đầu năm 2013. Ðể thực hiện dự án này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Cần Thơ đã cho Công ty Phương Thào vay 200 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, công nghệ.
Năm 2013, dự án này đi vào vận hành thử nghiệm nhưng do biện pháp xử lý nước rỉ từ ủ phân Compost chưa đạt quy chuẩn thải ra môi trường nên địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng hoạt động để khắc phục.
Đến tháng 9/2016, Nhà máy tái hoạt động nhưng chuyển đổi sang công nghệ đốt, nhưng một lần nữa công nghệ đốt rác của đơn vị này cũng không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và lại phải tiếp tục dừng hoạt động để khắc phục.
Diễn biến tiếp theo là Công ty cổ phần Phương Thảo đã chuyển nhượng dự án này cho một doanh nghiệp khác, bà Liêu Cát Phương Thảo, giám đốc công ty Phương Thảo cũng đã sang định cư ở nước ngoài.
Theo thông tin từ người phát ngôn UBND tỉnh Vĩnh Long, từ khi nhận chuyển nhượng dự án cho đến nay, chủ đầu tư mới không có động thái gì tiếp tục triển khai dự án này. Tính đến tháng 5/2021 là đã hết thời gian gia hạn triển khai dự án, địa phương đã có đủ cơ sở pháp lý để thu hồi dự án. Địa phương đã yêu doanh nghiệp đầu tư dự án và tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho dự án này là VDB Cần Thơ phải phối hợp cùng nhau để xử lý tài sản trên mặt đất, trả lại mặt bằng để địa phương mời gọi nhà đầu tư khác đầu tư nhà máy xử lý rác mới cho tỉnh.
Trong khi địa phương cần có nhà máy xử lý rác thì nhà máy “đắp chiếu” đã gây khó khăn cho địa phương này, toàn bộ rác sinh hoạt thu gom của tỉnh Vĩnh Long nhiều năm nay phải đỗ lộ thiên bốc mùi ô nhiễm. Mặc dù UBND tỉnh Vĩnh Long đã phải đầu tư thêm 2 khu chứa rác thải sinh hoạt nhưng đến nay cả 3 khu xử lý rác thải sinh hoạt ở địa phương này đã đầy và nếu không kịp đầu tư bãi chôn lấp tiếp theo thì sẽ không còn chỗ chứa trong vài tháng tới.
Theo số liệu từ báo cáo định hướng và các giải pháp phát triển công nghiệp và đô thị vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị toàn vùng được thu gom khoảng hơn 4.300 tấn/ngày, đạt khoảng 78% (tăng 3% so với năm 2017).
Toàn vùng có khoảng 10 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung đang hoạt động, tổng công suất thiết kế đáp ứng khoảng 30% lượng chất thải rắn phát sinh (tăng thêm 02 nhà máy so với năm 2017, trong đó, công nghệ đốt chiếm 30%); có 2 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng được quy hoạch: Khu công nghệ môi trường xanh tại Thủ Thừa, Long An (quy mô 1.760ha); Khu xử lý chất thải nguy hại cho vùng ĐBSCL tại Cà Mau (quy mô 20ha).
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nhiều nhà máy xử lý rác trong khu vực hoạt động dưới công suất, kém hiệu quả, việc thu gom rác đạt tỷ lệ thấp, công nghê xử lý rác nào hiệu quả đang là vấn đề “đau đầu” của cơ quan chức năng các địa phương trong vùng ĐBSCL hiện nay.
Tin Khác
” Con Đường Sự Nghiệp Chăn Nuôi: Phan Kim Hùng và Sứ Mệnh Xây Dựng Một Tương Lai Thực Phẩm An Toàn và Bền Vững”
“Tinh Hoa Nước Hoa: Thanh Duy – Trong Sứ Mệnh Lan Tỏa Hương Thơm và Tinh Thần Đồng Điệu”
“Hiệu Thảo: Nét Đẹp Tinh Tế Từ Vàng, Bạc, Đá Quý và Sứ Mệnh Phong Thủy Vượt Thời Gian”