Trung Quốc cho biết nước này đã có nhượng bộ với Mỹ trong đàm phán. Trung Quốc đã đề xuất để các nhà quản lý Mỹ kiểm toán một số công ty “nhạy cảm” nhất của Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc kêu gọi đối thoại trực tiếp nhằm giải quyết đối đầu kéo dài đã nhiều năm đe dọa đến thị trường toàn cầu, theo Bloomberg.
Trong cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh vào ngày thứ Tư, ông Fang Xinghai, phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc hoàn toàn “chân thành” muốn giải quyết tranh chấp kéo dài nhiều năm đang gây tổn hại xấu đến thị trường toàn cầu.
Giới chức Mỹ gần đây đã đẩy cao sức ép lên Trung Quốc để có thể tiếp cận được với sổ sách kiểm toán của những doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Trước đó, giới chức Mỹ đã đe dọa sẽ đưa ra quy định yêu cầu một số doanh nghiệp Trung Quốc như Alibaba, Baidu phải hủy niêm yết trên sàn Mỹ nếu yêu cầu của phía Mỹ không được đáp ứng.
Tình thế bế tắc này đã ám ảnh quan hệ Mỹ – Trung Quốc suốt nhiều năm, đặc biệt từ năm 2017 sau khi cuộc điều tra và quá trình làm việc chung của giới chức Trung Quốc và Mỹ không thể mang đến một thỏa thuận.
Cũng theo ông Fang cho biết, vào đầu tháng này, CSRC đã gửi đến Ban giám sát kế toán các công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) một đề xuất mới, theo đó, các cơ quan chức năng Mỹ có thể chọn bất kỳ doanh nghiệp Trung Quốc nào để kiểm toán thử. Dù rằng kể cả như vậy, Trung Quốc vẫn giữ quan điểm rằng họ cần phải giữ một số thông tin với lý do an ninh quốc gia.
“Hiện tại là lúc mà cả hai bên đều tự tin rằng chúng ta có thể giải quyết nhiều vấn đề nhạy cảm để hai bên đều có thể hài lòng. Họ ráo riết hơn chúng tôi, chúng tôi rất chân thành, thế nhưng trên phương diện khác, chúng tôi cũng nghiêm túc với việc bảo vệ thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”, ông nhấn mạnh.
Ông Fang cho biết phía Trung Quốc đã muốn có cuộc đối thoại với phía Mỹ diễn ra theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên vẫn còn đang chờ phản hồi. Khi được hỏi tại sao chương trình kiểm toán thử nghiệm không diễn ra từ năm 2017, ông Fang chia sẻ mọi chuyện đều có lý do từ tình hình chung.
Ông Fang chia sẻ ông từng đến Mỹ vào tháng 9/2019 để cố gắng giải quyết vấn đề này, tuy nhiên chủ tịch PCAOB đã từ chối gặp ông, thay vào đó cử một cấp phó đến gặp. Trong quá khứ, hai bên từng có các cuộc gặp “mang tính xây dựng”.
Tranh chấp thương mại Mỹ – Trung Quốc kéo dài đã tác động xấu đến thị trường tài chính trong suốt nhiều năm qua, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đang lan sang cả lĩnh vực công nghệ và tài chính. Hai bên thậm chí đã đánh thuế trả đũa lẫn nhau do phía Mỹ bất bình với chính sách mà Trung Quốc áp với Hồng Kông, đồng thời phía Mỹ đe dọa có các biện pháp chống lại các doanh nghiệp lớn nhất của Trung Quốc.
Một nhóm các nhà quản lý cấp cao của Mỹ cho rằng các sàn chứng khoán cần lập ra những quy định mới, theo đó quá trình hủy niêm yết của một số doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu.
Theo Bloomberg, vào tuần đầu tiên của tháng 8/2020 nhóm làm việc của Tổng thống Mỹ chuyên trách thị trường tài chính tuyên bố rằng để có thể giao dịch trên sàn của Mỹ, doanh nghiệp cần phải cho phép các nhà quản lý Mỹ tiếp cận với giấy tờ kế toán được kiểm toán.
Nhóm này cho đến nay chưa quyết định được sẽ áp dụng quy định mới như thế nào, theo quan chức cao cấp thuộc Bộ Tài chính Mỹ. Dù rằng quy định phạt nặng nề nhất sẽ là bị hủy giao dịch trên sàn Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Mỹ (TSEC) cũng đang tính toán về việc sẽ có thời hạn cho việc áp dụng quy tắc mới.
Những đề xuất mới nhất nhắm đến một vấn đề đã khiến các nhà quản lý Mỹ đau đầu suốt từ hơn 1 thập kỷ qua: Phía Trung Quốc từ chối cho phép các thanh tra viên thuộc Ban giám sát kế toán các doanh nghiệp đại chúng Mỹ xem xét giấy tờ kiểm toán của tập đoàn Alibaba, Baidu và nhiều doanh nghiệp khác niêm yết trên sàn Mỹ. Vấn đề này đang ngày một được quan tâm hơn do căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh và đặc biệt sau bê bối kế toán tại Luckin Coffee.
Nhóm các chính trị gia hàng đầu nước Mỹ, trong đó có bao gồm chủ tịch Fed, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã đưa ra đề xuất này. Ngoài ra, nhiều chính trị gia khác đưa ra đề xuất về việc yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin về rủi ro có liên quan đến đầu tư vào Trung Quốc cũng như họ cần các báo cáo từ các chuyên gia quản lý quỹ về việc có quan hệ làm ăn gần với nhóm doanh nghiệp kiểu này.
Tin Khác
“Dẫn Đường Cho Tương Lai: Vinfly và Sứ Mệnh Du Học Hàn Quốc”
“Tạo Dựng Kết Nối Khách Hàng: Sứ Mệnh Đặc Biệt của Factorazy”
Luật sư cáo buộc Canada muốn đưa bà Mạnh Vãn Chu “vào bẫy”