Một trong những xu hướng đáng chú ý nhất tại Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra là dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, bất động sản. Số lượng nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán tăng mạnh chưa từng có.
Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019. Ước tính trong 3 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước.
Nhiều người cho rằng đã có sự dịch chuyển đáng kể của dòng tiền, từ kênh gửi tiết kiệm ngân hàng sang kênh chứng khoán do lãi suất tiền gửi xuống thấp kỷ lục. Tuy nhiên, trên thực tế, huy động tiền gửi của các ngân hàng vẫn tăng đều đặn mà không bị ảnh hưởng quá nhiều. Huy động vốn của hệ thống TCTD năm 2020 đạt gần 13%, tương đương với mức tăng trong năm 2019 và cũng cao hơn tăng trưởng tín dụng. Theo thống kê mới nhất, tăng trưởng huy động vốn của các TCTD trong quý 1/2021 cũng tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, một lượng tiền lớn trong nền kinh tế đã chảy cả vào kênh ngân hàng và chứng khoán. Vậy nguồn tiền này đến từ đâu?
Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn – Cơ hội trong kỷ nguyên mới”, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, tại Việt Nam, cần lưu ý đến khu vực kinh tế không chính thức.
“Trong những năm vừa qua, chúng ta nhìn thấy luồng tiền rất lớn đi ra ngoài thị trường và không quay về hệ thống ngân hàng. Nó tạo thành dòng tiền chạy trong khu vực phi chính thức như các doanh nghiệp vay lẫn nhau, người dân vay lẫn nhau… Đến thời kỳ Covid-19, hoạt động ở khu vực phi chính thức gần như bị đình trệ, giảm xuống. Do đó, dòng tiền trên quay trở lại các kênh đầu tư chính thức, một là quay vào ngân hàng, hai là vào thị trường chứng khoán”, ông Nguyễn Tú Anh nhận định.
Vị chuyên gia cho biết, trên thực tế, trong thời kỳ Covid-19, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng vẫn rất nhanh, nhanh hơn so với tăng tín dụng. Còn trên thị trường chứng khoán, dòng tiền cũng đổ mạnh vào, nhà đầu tư F0 tăng rất nhiều. “Vậy F0 lấy tiền ở đâu ra trong khi kinh tế tăng trưởng chậm rõ rệt? Đây chính là dòng tiền từ khu vực phi chính thức quay về chính thức”, ông khẳng định lại.
Ông Tú Anh cũng lưu ý, nếu nền kinh tế quay lại trạng thái bình thường, khi việc tiếp cận vốn từ ngân hàng vẫn còn khó khăn, rất có thể dòng tiền sẽ lại quay về khu vực phi chính thức.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đánh giá thị trường vốn Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh và còn nhiều dư địa.
Chuyên gia tài chính ngân hàng – TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện có gần 3% dân số tham gia TTCK, nên còn nhiều dư địa phát triển TTCK. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức trên con đường phát triển thị trường vốn. Đó là triển vọng phục hồi kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực, thiếu tính ổn định, các sản phẩm còn ít, tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao,chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Hạn chế về hạ tầng dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Nguy cơ bong bóng trên thị trường do lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư F0 chưa có nhiều kiến thức về TTCK đổ vào thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tú Anh nhận xét, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã trưởng thành rất nhiều. Nếu trước đây, một số thông tin tiêu cực có thể làm cho thị trường chao đảo thì giờ đây, nhà đầu tư dường như đã “lạnh lùng” hơn.
Tuy nhiên, để thị trường vốn phát triển tích cực trong thời gian tới vẫn cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Với thị TTCK, cần tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là ổn định tâm lý của nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp. Đồng thời, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cần có các giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng.
“Cùng với đó là tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh chứng khoán; sáp nhập, mua, bán doanh nghiệp; hạn chế tình trạng nhà đầu tư thao túng thị trường và thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam. Giám sát chặt chẽ, cảnh báo và có các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”, ông Tú Anh nêu quan điểm.
Tin Khác
Thị phần của ngân hàng quốc doanh và tư nhân tại TP.HCM đang ra sao?
Làm gì để tránh mắc bẫy tín dụng đen dịp Tết?
Công ty chứng khoán SHS muốn bán 1,2 triệu cổ phiếu SHB