Tại báo cáo chiến lược thị trường mới phát hành, SSI Research đã đưa ra 9 cổ phiếu sáng giá trong tháng 2. Đáng chú ý, 4 trên tổng số 9 mã được khuyến nghị thuộc nhóm ngân hàng gồm CTG của VietinBank, STB của Sacombank, VPB của VPBank và SHB của SHB.
Luận điểm đầu tư với VietinBank là chi phí tín dụng năm 2022 dự báo giảm từ mức cao kỷ lục của 2021.
Theo đó, tổng dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank tương đương với hơn 100% của tổng nợ xấu và nợ tái cơ cấu. Năm 2022, mặc dù vẫn ở mức cao, chi phí tín dụng kỳ vọng giảm xuống 1,3% (so với mức trung bình 1,1% giai đoạn 2013 – 2020), hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận cao trong 2022.
Ngoài ra, SSI Research kỳ vọng hợp đồng độc quyền với Manulife có thể được hoàn tất trong 2022, giúp VietinBank cải thiện lợi nhuận và chỉ tiêu an toàn vốn. Kế hoạch thoái vốn khỏi Vietinbank Leasing và Vietinbank Securities là những yếu tố có thể giúp ngân hàng có được bộ đệm vốn tốt hơn.
Với Sacombank, SSI Research ước tính ngân hàng đã thoái lãi dự thu khoảng hơn 3.000 tỷ đồng trong quý IV/2021, đưa lãi dự thu về khoảng gần 7.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế vẫn ở mức tốt là 4.400 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.
Bên cạnh đó, tiến độ xử lý tài sản có vấn đề kỳ vọng sẽ tiến triển trong năm 2022. Theo ước tính của SSI Research, Sacombank có 30,6 nghìn tỷ đồng tài sản có vấn đề tại thời điểm 30/6/2021. Những tài sản này có TSĐB là hơn 600 triệu cổ phiếu STB cầm cố ở VAMC (giá thị trường 18,4 nghìn tỷ đồng), KCN Phong Phú (giá đấu giá trước đây là 7,6 nghìn tỷ đồng) và các BĐS có giá trị nhỏ hơn khác.
Việc bán cổ phiếu Sacombank cầm cố tại VAMC, nếu thành công, sẽ giúp STB xử lý được một lượng đáng kể tài sản có vấn đề và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Gần đây, ngân hàng cũng đã ký kết nâng tầm hợp đồng với Dai-ichi Life và bán KCN Sóng Thần. Số tiền thu được từ những thương vụ này cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản có vấn đề của ngân hàng.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, mỗi năm Sacombank trích dự phòng và thoái thu lãi khoảng 4.800 – 5.800 tỷ đồng, do đó, lãi trước thuế của ngân hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh từ 2023 khi không còn những gánh nặng về chi phí như vậy.
Tại VPBank, nhóm phân tích cho biết nợ xấu và nợ nhóm 2 tại ngân hàng mẹ đã giảm 3,2% và 32,9% trong quý IV/2021 so với quý trước đó. Ngân hàng đã xoá 1.700 tỷ đồng nợ xấu và trích lập thêm 2.800 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng. Nhờ đó, tỷ lệ bao nợ xấu cải thiện lên 85% (so với 64% cuối quý III/2021).
SSI Research dự báo lợi nhuận hợp nhất trước thuế 2022 của VPBank đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước nhờ tăng trưởng thu nhập lãi 21% và chi phí dự phòng tăng nhẹ so với 2021 (7%).
VPBank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài trong năm 2022. Ngân hàng đã khoá room ngoại ở mức 17,5% nhằm phục vụ cho thương vụ này. Nếu phát hành thành công, VPB sẽ tiếp tục củng cố bộ đệm vốn và cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Đánh giá về SHB, SSI Research cho biết ngân hàng đã trích lập và tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC. Do đó, chi phí dự phòng ở mức 7.600 tỷ đồng, tăng 73% so với năm ngoái. Chi phí tín dụng đạt 2,3% (so với 0,8% trong giai đoạn 2015 – 2019 và 1,6% trong 2020). Dư nợ tái cơ cấu cũng chỉ còn ở mức thấp tại thời điểm cuối năm là 1.000 tỷ đồng. Do đó, lãi trước thuế năm 2022 dự báo đạt 10.000 tỷ đồng (tăng 60% so với năm 2021).
SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. SSI Research kỳ vọng ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận từ thương vụ này vào lợi nhuận để lại (trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất) trong nửa đầu năm nay. Nguồn tiền thu được từ thương vụ thoái vốn tại SHB Finance sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong 2022.
Tin Khác
Thị phần của ngân hàng quốc doanh và tư nhân tại TP.HCM đang ra sao?
Làm gì để tránh mắc bẫy tín dụng đen dịp Tết?
Công ty chứng khoán SHS muốn bán 1,2 triệu cổ phiếu SHB