Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo nhận định về ngân hàng Techcombank.
Theo VDSC, mặc dù, Techcombank tin tưởng rằng ngân hàng có thể đứng vững trước tình hình dịch Covid-19 nhờ tài chính vững chắc, kết quả kinh doanh tốt và thanh khoản dồi dào. Dù vậy, VDSC vẫn giữ quan điểm thận trọng khi xem xét các tác động có thể có của dịch lên kết quả kinh doanh của Techcombank.
Tại buổi họp trực tuyến với nhà đầu tư vào ngày 16/04, Techcombank kỳ vọng rằng các tác động của dịch Covid-19 chỉ là trong thời gian ngắn còn các lợi thế dài hạn vẫn còn nguyên vẹn. Ngân hàng kỳ vọng rằng triển vọng vĩ mô của Việt Nam vẫn tích cực với dự báo tăng trưởng GDP thực đạt 4-5% trong năm 2020. Techcombank tin tưởng rằng ngân hàng có thể đứng vững trước tình hình dịch Covid-19 nhờ nguồn vốn mạnh (hiện nay Techcombank là ngân hàng có hệ số Basel 2 cao nhất trong ngành, ở mức 15,5% và hệ số đòn bẩy (tài sản/vốn CSH) thấp nhất, ở mức 6,2 lần); cùng với thanh khoản dồi dào (hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 38,4% và LDR ở mức 76,3%; có đủ thanh khoản để đáp ứng nhu cầu của khách hàng kể cả khi diễn biến kinh tế xấu đi).
Ngoài ra, ngân hàng còn có kết quả kinh doanh rất tốt trong năm 2019 (CIR thấp chỉ 34,7%, chi phí tín dụng thấp chỉ 0,5%, tín dụng tăng trưởng mạnh 19% và lợi nhuận tăng trưởng tới 20%, cho ra hệ số sinh lời ROA rất cao ở mức 2,9%).
Dư nợ cho vay các ngành bị ảnh hưởng mạnh do dịch như du lịch, khách sạn và xây dựng chỉ chiếm 10% tổng cho vay. Dư nợ SME chiếm 19% tổng cho vay (tức 17% tổng tín dụng).
Nguồn vốn mạnh cùng với khả năng duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch sẽ giúp ngân hàng tiếp tục phục vụ các nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn này. TCB hiện đang giữ vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực như cho vay mua nhà, thẻ VISA, phân phối trái phiếu, ngân hàng điện tử và đứng thứ hai về tỷ lệ CASA. Thông tư 01/2020 sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng hỗ trợ tốt hơn cho các khách hàng có kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch. Ngân hàng cho biết số lượng khoản vay phải xin gia hạn/tái cơ cấu đến thời điểm này còn tương đối ít. Kết quả kinh doanh quý 1 của ngân hàng chưa bị ảnh hưởng nhiều.
VDSC dự báo, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng dự báo chậm lại so với 2019. Năm 2019, ngân hàng đã đạt tăng trưởng tín dụng cao ở mức 19%, nhưng hạn mức ban đầu được cấp cho năm 2020 chỉ ở mức 13% (dù đây đã là mức cao nhất được cấp cho các ngân hàng tại thời điểm này). VDSC cho rằng mức độ tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ bị giới hạn bởi định hướng tín dụng của ngân hàng nhà nước, bởi TCB nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh tín dụng để sử dụng hết hạn mức được giao. Với kịch bản cở là dịch sẽ được kiểm soát trong quý 2, VDSC kỳ vọng NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, với trường hợp của Techcombank có thể lên mức 15-16% và ngân hàng sẽ sử dụng hết hạn mức này.
VDSC cũng nhận định, dịch bệnh sẽ gây áp lực lên NIM và tăng trưởng thu nhập lãi. Hiện gói hỗ trợ cho vay của Techcombank có quy mô 32.000 tỷ, trong đó 20 nghìn tỷ dành cho khách hàng doanh nghiệp và 12 nghìn tỷ dành cho khách hàng cá nhân, cả hai đối tượng có thể được hưởng ưu đãi lãi suất đến 2 điểm %. Gói hỗ trợ này tương đương 12,2% dư nợ năm 2019 và dự kiến sẽ làm giảm lãi suất cho vay bình quân.
Theo Techcombank, từ đầu năm đến nay NIM đang có xu hướng giảm nhẹ do triển khai gói ưu đãi này nhưng về tổng thể ảnh hưởng lên NIM năm 2020 sẽ là không đáng kể. VDSC cho rằng TCB có lợi thế hơn so với các ngân hàng khác ở việc duy trì CASA tăng trưởng tốt và giảm chi phí vốn trong suốt giai đoạn vừa qua, do đó cũng có khả năng giảm tiếp chi phí vốn để bù lại việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Dù vậy, dự kiến tăng trưởng thu nhập lãi sẽ chậm lại do tăng trưởng tín dụng thấp hơn và NIM chịu áp lực do ảnh hưởng của dịch.
Trong khi đó, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến thu nhập dịch vụ theo chiều hướng khác nhau. Một mặt, phí bancassurance và dịch vụ trái phiếu dự kiến bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch. Mặt khác, VDSC cũng kỳ vọng Techcombank có thể hưởng lợi nhờ chính sách giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng của NAPAS cùng với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh trong bối cảnh dịch.
Đáng lưu ý, chất lượng tài sản phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch và triển vọng của ngành bất động sản. Mặc dù cho vay các ngành bị tác động mạnh bởi dịch chỉ chiếm 10%, phần này chưa bao gồm trái phiếu doanh nghiệp (chiếm 11,8% dư nợ tín dụng) mà trong đó một phần lớn nhiều khả năng được phát hành bởi các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, dư nợ liên quan đến bất động sản, bao gồm cho vay chủ đầu tư, nhà thầu và người mua nhà, chiếm tới 77,2% tổng dư nợ tại ngân hàng này. Theo thông tin của Techcombank, tập khách hàng của ngân hàng chủ yếu là những người có thu nhập cao (với khách hàng cá nhân) và doanh nghiệp vốn hóa lớn, là những phân khúc có thể có nhiều dự trữ để vượt qua giai đoạn này. Dù vậy, VDSC vẫn giữ quan điểm thận trọng về rủi ro tập trung của TCB khi tỷ trọng dư nợ liên quan đến bất động sản – vốn cũng là lĩnh vực khá nhạy cảm với biến động kinh tế – ở mức cao. Điều này có thể ảnh hưởng tới chất lượng tài sản khi dịch bệnh kéo dài và gây ảnh hưởng đến ngành bất động sản mạnh hơn dự kiến.
Tin Khác
Thị phần của ngân hàng quốc doanh và tư nhân tại TP.HCM đang ra sao?
Làm gì để tránh mắc bẫy tín dụng đen dịp Tết?
Công ty chứng khoán SHS muốn bán 1,2 triệu cổ phiếu SHB