16 ngân hàng lớn nhất hệ thống, là thành viên Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) vừa có cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2,5% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 từ ngày 13/7/2021 đến cuối năm 2021.
16 ngân hàng là hội viên của VNBA gồm: Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, để đảm bảo việc giảm lãi suất thực chất, cũng như doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, đơn vị này sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc giảm lãi suất của các NHTM, đảm bảo từ nay đến cuối năm các cam kết được thực hiện.
Ngay sau khi đưa ra cam kết, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng áp dụng các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp với quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ. Dẫn đầu là nhóm ngân hàng quốc doanh.
Vietcombank đã quyết định giảm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Theo đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm, về còn lần lượt là 5,7%/năm, 6,3%/năm, 6,9%/năm cho các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và trên 12 tháng. Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.
Từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021, BIDV cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, đối với một số nhóm khách hàng khó khăn, mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành, kéo lãi suất xuống còn chỉ từ 5,6 – 6,2%/năm với các sản phẩm mua nhà, xe, vay tiêu dùng và vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Agribank cho biết giảm 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên (Không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi). Lãi suất thẻ tín dụng của Agribank cũng giảm còn 11,7%/năm hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Lưu ý rằng, mức lãi suất ưu đãi nêu trên thường chỉ áp dụng cho 6 tháng – 1 năm đầu. Sau đó lãi suất sẽ được thả nổi +-3% tuỳ theo lãi suất thị trường. Một số ngân hàng thương mại cũng có mức giảm lãi suất đáng kể để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức giảm trung bình 1,5% trong thời gian từ ngày 15/7-31/12/2021.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. ACB cũng sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15/7 – 15/10/2021.
Sacombank, TPBank, MB, VietCapital Bank cũng đều đã có thông báo về việc giảm lãi suất tiền vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với mức giảm trung bình 1-1,5%/năm. Tuy nhiên, đối tượng ưu tiên giảm lãi suất của các ngân thương mại hầu như chỉ tập trung ở nhóm khách hàng chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Mức lãi suất cho vay mua nhà, mua xe, kinh doanh của các ngân hàng thương mại hiện áp dụng phổ biến ở mức 6,08% – 9%/năm, đây là mức lãi suất rất thấp được áp dụng trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Nhận định về tác động của yêu cầu giảm lãi suất với lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2021, Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) cho rằng, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước lại là nhóm chịu áp lực lớn nhất do phải đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng và giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN. Cùng với đó, các khách hàng lớn, số lượng nhiều và chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến nguy cơ nợ xấu tăng cao.
Ở nhóm các ngân hàng TMCP cổ phần có dư nợ từ 200.000-400.000 tỷ đồng như Techcombank, MB, VPBank, VIB, Sacombank, IVS nhận định Techcombank và MB có triển vọng sáng hơn nhờ cải thiện được chất lượng tài sản cùng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Phân khúc hoạt động cũng bền vững, ít chịu ảnh hưởng ngắn hạn hơn so với VPBank khi nhiều khách hàng của ngân hàng cũng như FE Credit chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) nửa cuối năm dự kiến giảm trung bình 0,2-0,3% do các gói hỗ trợ cắt giảm lãi suất cùng với dư địa giảm chi phí huy động không còn nhiều. Ở mặt quản trị rủi ro, chi phí dự phòng của các ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng lớn vẫn đang duy trì nền cao và tăng trích lập cho các khoản nợ xấu phát sinh cũng như trích lập theo lộ trình TT03/2021. Một số ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng trong thời gian tới do nợ xấu phát sinh, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh kéo dài.
Tin Khác
Thị phần của ngân hàng quốc doanh và tư nhân tại TP.HCM đang ra sao?
Làm gì để tránh mắc bẫy tín dụng đen dịp Tết?
Công ty chứng khoán SHS muốn bán 1,2 triệu cổ phiếu SHB