15 Tháng Chín, 2024

Giaiphaplamgiau.com

ài chính, kinh doanh – Marketing, quản trị, luật kinh tế

Hé mở ‘hệ sinh thái’ đáng nể của Chủ tịch Transimex Bùi Tuấn Ngọc

Trong các ngày 4/10 và 5/10/2021, CTCP Đầu tư Toàn Việt (Toàn Việt) đã bán ra 97.200 cổ phiếu TV3 của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 3, giảm tỉ lệ sở hữu xuống chỉ còn 4,84% vốn điều lệ. Trước đó, vào ngày 30/8/2021, Toàn Việt đã bán ra 8.000 cổ phiếu TV3 nhằm cơ cấu danh mục đầu tư.

Toàn Việt cũng từng được biết tới là cổ đông lớn của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 2 (Mã CK: TV2). Bên cạnh đó, công ty này cũng từng được ghi nhận sở hữu 0,36% vốn của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 1 (Mã CK: TV1).

Ngoài ngành điện, động thái thoái vốn của Toàn Việt cũng diễn ra ở một số doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và vận tải.

Giai đoạn từ ngày 18/8 – 7/10/2021, Toàn Việt đã bán ra 6,53 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư – Kinh doanh Nhà (Mã CK: ITC), giảm mạnh tỉ lệ sở hữu từ 13,02% xuống chỉ còn 4,78%, không còn là cổ đông lớn.

Toàn Việt và một pháp nhân khác cùng nhóm là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải (Thiên Hải) nổi lên là những ‘tay chơi’ lớn tại ITC từ năm 2018. Cùng với CTCP Thiết kế Kiến trúc tương lai, nhóm cổ đông tư nhân đóng vai trò chủ đạo tại chủ đầu tư dự án Terra Royal toạ lạc tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng (Tp. HCM) trong nhiều năm.

Đáng chú ý, vào năm 2019, Đại hội đồng cổ đông thường niên của ITC đã thông qua việc đầu tư vào dự án điện mặt trời Ninh Phước, công suất 200MW, tổng vốn đầu tư ước tính 4.177 tỉ đồng. Trong đó, 1.677 tỉ đồng đầu tư dự án dự kiến được lấy từ nguồn thu từ dự án Terra Royal và dự án Tương Bình Hiệp (tỉnh Bình Dương).

Tương tự, trong tháng 8/2021, Toàn Việt đã bán ra 65.300 cổ phiếu VNL của CTCP Logistics Vinalink, giảm tỉ lệ sở hữu xuống 4,36% vốn điều lệ.

Toàn Việt, Thiên Hải và Vina Invest

Theo tìm hiểu của VietTimes, Toàn Việt được thành lập từ tháng 11/2009, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà các loại trong nhiều năm. Tuy nhiên, tới tháng 9/2020, công ty này thay đổi ngành nghề kinh doanh chính sang hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu.

Động thái này phần nào cho thấy định hướng phát triển mới của doanh nghiệp do ông Bùi Tuấn Ngọc (SN 1965) làm Chủ tịch HĐQT.

Sinh năm 1965, ông Bùi Tuấn Ngọc từng có 4 năm công tác tại Xí nghiệp XDCB Seaprodex, rồi chuyển sang Liên hiệp DVSXTM Tp. HCM và Trung Tâm TM LD Việt-Xô Tp. HCM (Rosvietimpex).

Tới năm 1994, ông Ngọc bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng với vai trò Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng – Sản Xuất Thiên Hải (nay đã đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải – viết tắt: Thiên Hải). Doanh nghiệp này hiện là cổ đông lớn của CTCP Merufa (Mã CK: MRF).

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vào tháng 12/2020, Thiên Hải đã tăng mạnh vốn điều lệ từ 30 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng, do ông Bùi Tuấn Ngọc và thân mẫu Phùng Thị Quỳnh Yến nắm giữ toàn bộ cổ phần. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Thiên Hải hiện do ông Trần Hướng Nam (SN 1971) phụ trách, trong khi vai trò Chủ tịch HĐTV do ông Bùi Tuấn Ngọc đảm nhiệm.

Ngoài Toàn Việt và Thiên Hải, ông Bùi Tuấn Ngọc còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Transimex (Mã CK: TMS), CTCP Đầu tư Vina (Vina Invest), CTCP Thương mại Phú Nhuận (Mã CK: PNG); Thành viên HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Mã CK: CLX), CTCP Thương mại Hóc Môn (Mã CK: HTC) và CTCP Gamex Sài Gòn (Mã CK: GMC).

TMS là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics với 12 công ty con và 10 công ty liên doanh, liên kết (tính đến ngày 30/6/2021), trong đó có thể kể tới một số cái tên đáng chú ý như: CLX, CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại thương (Mã CK: VNT), CTCP Dịch vụ Vận tải và Thương mại (Mã CK: TJC), CTCP Cảng Mipec . Ngoài ra, TMS còn có các khoản đầu tư vào CTCP Cảng Cát Lái (Mã CK: CLL), CTCP Cảng Đồng Nai (Mã CK: PDN)./.