15 Tháng Chín, 2024

Giaiphaplamgiau.com

ài chính, kinh doanh – Marketing, quản trị, luật kinh tế

Lãi suất ở mức nào là phù hợp với người gửi tiền và nhà đầu tư chứng khoán, bất động sản?

Tiếp nối nhận định trong bài viết ’’Lãi suất tiền gửi giảm từ 14% xuống chỉ còn 4%/năm, đâu là nguyên nhân?’’, Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển đã có những chia sẻ sâu hơn về vấn đề này.

Theo ông Hiển, lãi suất giảm mạnh từ năm 2013 đến nay có vai trò rất lớn của Chính phủ nhưng cũng cần nói thêm đó là ‘’cái thắng gấp’’ cần thiết khi hệ thống tài chính vĩ mô và ngân hàng thương mại đang gần tới mép vực.

Cụ thể, tình trạng lãi suất cao lúc đó là do chính sách cung tiền quá mức để phát triển kinh tế bao gồm các tập đoàn và đầu tư hạ tầng tràn lan không trọng điểm (trong những năm trước – PV), khi Chính phủ thắt chặt tiền tệ, xử lý các NHTM và ‘’đại gia sân sau’’ thì dòng tiền bị thu hẹp, nhu cầu vốn đầu cơ tài chính nhanh chóng xẹp xuống cùng với đóng băng thị trường BĐS.

Lãi suất xuống thấp là cơ hội đầu tư chứng khoán, bất động sản?

Theo TS. Đinh Thế Hiển, khi nói đến lãi suất huy động, cần lấy lãi suất kỳ hạn 12 tháng, hoặc 13 tháng làm chuẩn. Từ đó hình dung ra lãi suất cho vay và chi phí vốn đầu tư cho nhà đầu tư cá nhân.

Đối với quan điểm lãi suất huy động rẻ ở mức 6% – 6,5%/năm là cơ hội để đầu tư bất động sản (BĐS) và chứng khoán, ông cho rằng xu hướng đầu tư chứng khoán hiện nay chủ yếu là lướt sóng, nên việc lãi suất thấp hay cao không quan trọng bằng cơ hội thị trường, do vậy không có tác dụng nhiều.

Về đầu tư BĐS, lãi suất thấp sẽ giúp tăng đầu tư giá trị, nhất là nhóm mua căn hộ, nhà phố để cho thuê. Từ đó tạo động lực chung cho thị trường.

Lãi suất huy động hiện khoảng 6 – 6,5%, theo đó lãi suất cho vay khoảng 8% – 10% có rẻ không?

TS Đinh Thế Hiển cho rằng, so sánh với quá khứ thì đúng là lãi suất đang rẻ. Nhưng so sánh với các mối tương quan thì nó không hề rẻ, mà đang ở mức trung bình cao.

Nếu so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 3 năm gần đây trung bình là 3 – 3,5% thì lãi suất tiền gửi đang gấp khoảng 2 lần lạm phát, một tỷ lệ rất cao so với mọi thời kỳ tại Việt Nam, và cũng rất cao so với thế giới. Điều đó có nghĩa là người gửi tiền đang có lợi dựa trên tỷ lệ mất giá của đồng tiền (CPI).

Nếu so với tỷ giá USD theo quan điểm mối tương quan của đồng tiền số 1 thế giới, thì 3 năm gần đây mức tăng tỷ giá USD/VND đều dưới 2%. Điều đó cho thấy VND vẫn đang giữ giá rất tốt.

Nếu đem đi kinh doanh hoặc đầu tư, đúng là với lãi suất cho vay từ 9% – 10% (dựa trên lãi suất huy động từ 6 – 6,5%) có thấp hơn so với các kỳ trước. Tuy nhiên lãi suất này chỉ rất thấp với các người kinh doanh vốn lưu động xoay vòng, cụ thể những tiểu thương, nghiệp chủ nhỏ, nông dân mà có được lãi suất này là quá tốt, họ đang chấp nhận lãi suất thị trường từ 15 – 30%/năm nhưng vẫn xoay được với số tiền vay tầm vài chục triệu đến trên dưới 1 tỷ đồng.

Nhưng với doanh nghiệp vay số tiền từ 10 tỷ đến 50 tỷ cho hoạt động kinh doanh vốn lưu động thì lãi suất này là hợp lý (công bằng). Còn nếu doanh nghiệp vay đầu tư từ trăm tỷ trở lên thì lãi suất này là một áp lực, cần phải tính toán sử dụng hiệu quả mới cân được.

Với nhà đầu tư BĐS, nếu khoản vay vài trăm triệu trở xuống thì lãi suất 8 – 10%/năm là hợp lý, họ có thể gồng để trả góp dần dần. Nhưng với nhà đầu tư vay tầm vài tỷ sẽ thấy có áp lực; còn nhà đầu tư vay vài chục tỷ trở nên thì cực kỳ áp lực; chỉ cần thị trường đóng băng 2, 3 năm là thấy vốn chính chủ bị tụt gần hết (tất nhiên trừ khi BĐS tăng giá tốt).

Trong chiều ngược lại, với nhà đầu tư vay vừa phải thì vốn này khá lý tưởng, nhưng nó không hề rẻ như nhiều người nhận định khi với nhà đầu tư cá nhân vay vốn lớn từ chục tỷ trở lên để đầu tư vào đất!

Nhìn chung, theo TS. Đinh Thế Hiển, lãi suất huy động và cho vay hiện nay đang là mức hợp lý, cân bằng giữa người gửi tiền và người vay để kinh doanh đầu tư. Việc đòi hỏi lãi suất xuống thấp nữa để mình có vốn rẻ kinh doanh, đầu tư là thiếu ‘’fair’’, không thể hiện thị trường vốn trong việc chọn lựa cơ hội đầu tư, trong trình độ quản trị kinh doanh tài chính để làm ăn.

Đầu tư BĐS cần dựa trên năng lực tài chính của mình, đừng mua BĐS vì tin rằng lãi suất đang rẻ

Nhiều người kỳ vọng vay khá lớn, thời gian dài (từ 10 năm) để chờ Chính phủ cung tiền tạo lạm phát cao khiến khoản vay trở lên rẻ so với BĐS đã đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Hiển, cho dù điều đó xảy ra thì CPI tăng, lãi suất cũng tăng cao như giai đoạn 2011 – 2012, khi đó mức tăng giá BĐS có thể không gánh nổi lãi suất tăng; còn bán đi tất toán thu lời thì khi bán vào giai đoạn ‘’ngon’’, giá đã tăng khá thì tự dưng thấy kẹt hàng, thị trường đóng băng, bán không được, vì lúc đó ai cũng có đất và có nợ lớn….

‘’Do vậy, việc đầu tư BĐS là dựa trên năng lực tài chính của mình, khả năng chọn lọc thị trường và chốt được miếng tốt dựa trên nhiều yếu tố, chứ không nên mua BĐS vì tin rằng lãi suất đang rẻ’’, ông Hiển khuyến nghị.