“Bà ấy chỉ cằn nhằn”. Đó là những gì Yu Inoue nói với các sĩ quan làm nhiệm vụ khi đi qua cánh cổng đồn cảnh sát ở phường Kita, Sapporo, miền Bắc Nhật Bản vào tối ngày 23/12/2021.
Người phụ nữ 57 tuổi đã thú nhận liên tục đấm vào mặt người mẹ 82 tuổi, rồi đạp bà khi bà ngã sấp xuống đất, sau khi cãi nhau về con chó trong nhà. Bà Kiyomi Inoue đã qua đời sau vụ hành hung, vào tối cùng ngày con gái bà ra đầu thú. Yu Inoue khai với cảnh sát: “Tôi đã mất bình tĩnh trước cách mẹ tôi nói chuyện với tôi”.
Mặc dù đáng buồn, trường hợp của Yu Inoue không phải là ví dụ duy nhất về tình trạng bạo hành người cao tuổi ở Nhật Bản. Một cuộc khảo sát công bố vào cuối tháng 12 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này cho biết, 17.281 vụ bạo hành người cao tuổi xảy ra trong các gia đình Nhật Bản năm 2020. Đây là con số cao kỷ lục với 25 trường hợp tử vong.
Các nhà quan sát cho rằng sự gia tăng bạo lực đối với những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội có liên quan đến nỗi chán nản và lo sợ do đại dịch Covid-19 gây ra. Quan điểm này dựa trên con số các trường hợp bạo lực gia đình và trẻ em cũng gia tăng đột biến.
Mặt tối của xã hội phát triển
Dân số Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2010 ở mức 127,32 triệu người và kể từ đó đã liên tục giảm. Vào năm 2100, các nhà thống kê ước tính rằng khoảng 1/3 trong số 83 triệu người của đất nước là người trên 65 tuổi. Đây là một xu hướng mà các xã hội châu Á khác, bao gồm Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc cũng phải đối mặt.
Do đó, tình trạng bạo hành người cao tuổi gia tăng đang là mối lo ngại đối với những người già ở châu Á. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, các xã hội khác cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề này thường xuyên hơn trong tương lai.
Ngày 22/12/2022, Hiroshi Usui bị bắt vì tình nghi dùng dao bếp đâm người cha 79 tuổi tại nhà riêng của họ ở Hitachinaka, quận Ibaraki. Ông Kensuke Usui được đưa đến bệnh viện gần đó nhưng đã không qua khỏi. Người con trai ông từ chối trả lời các câu hỏi điều tra của cảnh sát.
Trước đó 10 ngày, cảnh sát quận Hyogo đã bắt giữ một người đàn ông 49 tuổi vì sát hại mẹ già 88 tuổi tại nhà riêng. Nghi phạm, người bị tạm giữ một ngày sau vụ giết người, nói với cảnh sát rằng anh ta “không nhớ” bất cứ điều gì về cái chết của mẹ mình.
Trước vụ việc xảy ra ở quận Hyogo một ngày, một vụ việc thương tâm khác xảy khi người đàn ông 60 tuổi gọi điện cho cảnh sát phường Ota của Tokyo báo rằng ông sẽ tự sát sau khi siết cổ mẹ mình. Cảnh sát tìm thấy người mẹ già khoảng 90 tuổi tại căn hộ. May mắn rằng bà vẫn còn sống, nhưng thi thể của người con trai được phát hiện gần một đoạn đường sắt ở thủ đô Nhật Bản.
Kiệt sức… cả thể chất lẫn tinh thần
Vickie Skorji, giám đốc TELL Lifeline và dịch vụ tư vấn có trụ sở tại Tokyo cho biết: “Chúng tôi đang nhận thấy các xu hướng tương tự của các vụ tự tử, bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em… nó tương tự như tình trạng bạo lực người cao tuổi”.
Trao đổi với tờ SCMP, Skorji cho biết mọi người đã có đủ căng thẳng trước khi đại dịch xảy ra: áp lực công việc, áp lực cơm áo gạo tiền… Nhưng mọi người vẫn tiếp tục phải sống với cuộc khủng hoảng sức khỏe do dịch bệnh gây ra trong hơn hai năm nay. Điều này khiến mọi người cảm thấy kiệt sức.
Đại dịch cũng khiến con người bị cô lập. Họ không thể làm những việc bình thường như gặp bạn bè, gia đình hoặc tán gẫu với đồng nghiệp tại văn phòng. Điều này khiến mọi người dần trở nên vô cảm.
Để đối phó với tình trạng này, Skorji cho biết TELL đang chuyển trọng tâm hỗ trợ vào việc xây dựng khả năng phục hồi và kiểm soát mức độ căng thẳng tâm lý cho những người cảm thấy họ đã chịu đựng đến giới hạn.
Đối với giáo sư truyền thông Makoto Watanabe tại Đại học Hokkaido Bunkyo, làn sóng bạo lực gia tăng đối với những người yếu ớt và dễ bị tổn thương là dấu hiệu cho thấy những thay đổi to lớn, chủ yếu là tiêu cực, đã ảnh hưởng đến xã hội Nhật Bản trong những năm gần đây.
Ông nói: “Ngày xưa, người già là cốt lõi của mọi cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn của Nhật Bản, vì họ hiểu biết về mùa màng và khu vực họ sinh sống. Giờ đây, cuộc sống đã thay đổi khi ai cũng có thể tra Google cho những thông tin họ cần. Giá trị của người già với cộng đồng bị giảm sút”.
Giáo sư Watanabe nói rằng đại dịch là chất xúc tác khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, nguồn gốc của sự chán nản còn sinh ra từ quan niệm về lòng hiếu thảo, hay “kính lão đắc thọ” đã ăn sâu vào các nền văn hóa Đông Á như Nhật Bản.
Ông nói: “Tôi sợ rằng xã hội Nhật Bản đã đạt được nhiều điều nhờ công nghệ, nhưng dường như lại đánh mất đi quá nhiều sự đồng cảm”.
Tham khảo SCMP
Tin Khác
“Dẫn Đường Cho Tương Lai: Vinfly và Sứ Mệnh Du Học Hàn Quốc”
“Tạo Dựng Kết Nối Khách Hàng: Sứ Mệnh Đặc Biệt của Factorazy”
Luật sư cáo buộc Canada muốn đưa bà Mạnh Vãn Chu “vào bẫy”